GrapeSEED – Cách dạy tiếng Anh vừa học, vừa chơi cho bé
Chắc hẳn các giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ ở Việt Nam đều từng trải qua cảm giác hồi hộp trước buổi họp phụ huynh đầu tiên hay những lúc cha mẹ tới dự giờ lớp học.
Liệu phụ huynh có hài lòng với kết quả học sinh đạt được? Liệu họ có phàn nàn khi trẻ không chịu ngồi yên tại chỗ? Họ có thấy thất vọng và muốn tìm kiếm trung tâm tiếng Anh khác?
Ngược lại với cảm giác lo lắng ấy là niềm hạnh phúc khi chứng kiến học sinh bắt đầu biết tương tác và trả lời câu hỏi của giáo viên, biết hát và kể chuyện bằng tiếng Anh – một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Nắm trong tay trọng trách dìu dắt trẻ trên chặng đường chinh phục tiếng Anh, giúp trẻ dần tự tin trong giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ thành thạo chính là động lực lớn cho mỗi người làm giáo viên.
Yếu tố tiên quyết chi phối chặng đường chinh phục tiếng Anh của học sinh chính là phương pháp. Dưới đây là bốn tiêu chí để giáo viên lựa chọn giáo trình dạy tiếng Anh phù hợp cho bé:
- Áp dụng cách tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên
- Dạy từ vựng theo các chủ đề gần gũi, tạo hứng thú cho trẻ
- Bài giảng vui, thú vị và kết hợp nhiều hoạt động
- Mưa dầm thấm lâu, cho trẻ luyện nghe đủ nhiều để củng cố kiến thức
Trẻ mầm non Việt Nam đang học tiếng Anh
1. Hướng tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên
Các phương pháp dạy ngoại ngữ truyền thống trước đây đa phần tập trung vào việc dạy trẻ các từ vựng đơn lẻ hoặc thuộc lòng các cấu trúc ngữ pháp. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách làm hiệu quả để thực sự giúp trẻ giao tiếp thành thạo và tự nhiên.
Giáo sư Krahen (1983) nhấn mạnh sự khác biệt giữa học ngôn ngữ và thụ đắc (hấp thụ) ngôn ngữ. Học ngôn ngữ là cách học truyền thống, ở đó ta học các kiến thức về ngôn ngữ đó, ví dụ như học thuộc lặp đi lặp lại danh sách các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Tôi nghĩ chắc hẳn chúng ta đều đã từng gặp những người bạn có cách học ngoại ngữ như thế này. Họ học tiếng Anh nhiều năm trời, nhưng vẫn không thể giao tiếp được một cách tự nhiên.
Còn để giao tiếp được, người nói cần có cơ hội thực hành sử dụng ngôn ngữ thường xuyên và tìm cách diễn tả suy nghĩ của họ bằng ngôn ngữ đó. Một em bé sẽ cần nghe bố mẹ nói chuyện 3 hoặc 4 năm rồi mới bắt đầu hình thành khả năng diễn đạt những gì bé muốn.
Vậy các hướng dẫn trong giờ học tiếng Anh của giáo viên cũng nên mô phỏng tiến trình tương tự. Ngay từ những tiết học đầu tiên, giáo viên nên chuẩn bị các hoạt động để kích thích trẻ muốn hiểu ý nghĩa hoạt động đó. Ví dụ, giáo trình của chúng tôi có một hoạt động vận động là “Stand Up!” (Đứng lên nào!). Kết hợp với giai điệu bài hát thú vị và bắt tai, giáo viên sẽ vừa nói vừa làm mẫu các động tác như: “Stand up… Sit down … and clap your hands!” (Đứng lên… Ngồi xuống… và vỗ tay nào!).
Nhờ thế, ngay từ đầu học sinh có thể hiểu ý nghĩa các từ vựng trẻ nghe được. Trẻ nhìn giáo viên mô phỏng hành động đứng lên và cũng đứng lên với giáo viên khi được yêu cầu. Dần dần, trẻ bắt đầu liên kết cụm “Stand up” với hành động đứng lên. Trẻ được nghe giáo viên nói cụm này rất nhiều lần, và trẻ sẽ không bao giờ phải khựng lại để nhớ xem trong tiếng Việt từ “Stand up” là gì.
Một điểm quan trọng khác giáo viên cần lưu ý, đó là giáo trình dạy tiếng Anh nên được minh họa cẩn thận và chỉn chu, đảm bảo khi nghe giáo viên đọc tài liệu, trẻ có thể hiểu được ý nghĩa thông qua hình ảnh minh họa cho tài liệu đó. Ví dụ, giáo trình của chúng tôi có câu chuyện với tựa đề “What Do You See?” (Bạn nhìn thấy gì?). Trong đó có câu “I see a bear. The bear sees a bird. The bird is flying in the sky.” (Tớ nhìn thấy một con gấu. Con gấu thấy một con chim. Con chim đang bay trên trời.) Trong tài liệu đã vẽ sẵn hình ảnh các con vật và hành động của chúng, để giáo viên vừa đọc truyện vừa trỏ vào tranh.
Với dạng tài liệu như thế này, giáo viên sẽ không bao giờ phải dịch ra tiếng Việt hoặc giải thích ý nghĩa của từng từ, cụm từ. Học sinh sẽ tự học được ý nghĩa các từ mới thông qua việc giao tiếp; từ giai đoạn trẻ cố gắng đoán ý nghĩa của các từ, cụm từ đến giai đoạn sử dụng các từ, cụm từ đó để nói chuyện với bạn bè và thầy cô.
2. Dạy từ vựng theo các chủ đề gần gũi, gây hứng thú với trẻ
Việc giáo viên lựa chọn những nhóm từ vựng mà học sinh thích dùng để trò chuyện trong đời sống hàng ngày cũng vô cùng quan trọng. Điểm này cũng rất tương thích với cách học ngoại ngữ tập trung vào giao tiếp. Nếu giáo viên có cách dạy từ vựng hiệu quả, trẻ có thể dễ dàng sử dụng các từ đó để biểu đạt suy nghĩ của chính trẻ.
Những chủ đề mà trẻ thích nói là gì? Đó có thể là: các loài động vật, bạn bè, gia đình, các hoạt động trẻ được tham gia, các đồ vật trong lớp học và khu vui chơi, quần áo, đồ ăn, địa điểm yêu thích, nhân vật yêu thích, v.v… Miễn là chủ đề mà trẻ thích và quan trọng với trẻ, thì trẻ sẽ muốn được chia sẻ với giáo viên và các bạn học của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ sa vào lối suy nghĩ rằng nếu trẻ thuộc lòng được một danh sách từ vựng dài thì trẻ sẽ nhớ và sử dụng thành thạo được hết số từ đó trong các hội thoại. Đây là lúc quan trọng để nhắc nhở bản thân rằng, chúng ta cần tập trung vào việc học giao tiếp, thay vì học vẹt.
Giáo viên nên khuyến khích học sinh sử dụng từ mới để bày tỏ cảm nghĩ riêng của chính trẻ mà không theo các khuôn mẫu có sẵn. Ví dụ, với chủ đề động vật, trẻ sẽ muốn được kể về các con vật yêu thích. Hay với chủ đề về quần áo, trẻ thích được chia sẻ về loại quần áo trẻ và các bạn mặc vào ngày hôm đó.
Tham khảo thêm các mẹo giảng dạy từ vựng tại bài viết này.
3. Bài giảng vui, thú vị và kết hợp nhiều hoạt động
Hiển nhiên là giáo viên nên sử dụng các phương pháp truyền tải bài học thú vị và năng động. Tất cả chúng ta đều biết rằng khả năng tập trung của trẻ không cao, do đó giáo viên sẽ cần đảm bảo có nhiều hoạt động và loại học liệu đa dạng trong một tiết học để có thể gây hứng thú với trẻ.
Nếu đang dạy nhóm học sinh mầm non và tiểu học, chắc hẳn bạn thường chuẩn bị rất nhiều bài hát tiếng Anh trong giờ dạy của bạn. Học ngoại ngữ qua các bài hát là một cách học vui vẻ và hiệu quả. Trẻ dễ nhớ từ hơn rất nhiều khi các từ đó được gắn liền với giai điệu và nhịp phách.
Trẻ cũng thích được học với các câu chuyện. Giáo trình của chúng tôi có câu chuyện mang tựa đề The Spider’s Web (Chiếc mạng nhện). Sau vài lần nghe giáo viên đọc mẫu thì trẻ rất mê được kể lại câu chuyện này cùng với giáo viên. Đây là câu chuyện được xây dựng dựa trên các đoạn hội thoại, và giáo viên có thể tận dụng các kiểu truyện như thế này để cho trẻ đóng kịch với các bạn học khác và cùng diễn lại câu chuyện.
Sử dụng các hoạt động vận động cũng là một cách tuyệt vời để gúp trẻ luôn hăng hái và hào hứng. Phương pháp giảng dạy TPR – total physical response (Học bằng phản xạ toàn thân) đã trở nên quen thuộc với nhiều giáo viên. Đây cũng là công cụ lấy giao tiếp làm nền tảng. Giáo viên mời học sinh thực hiện các hành động với giáo viên và giúp trẻ liên kết từ, cụm từ với hành động mà trẻ vừa thực hiện.
Chương trình của GrapSEED có rất nhiều hoạt động thú vị theo phương pháp TPR, ví dụ như “Jump, jump, jump like a kangaroo…” (Nhảy, nhảy, nhảy như một con kăng-gu-ru) hay “Crawl, crawl, crawl like an alligator…” (Bò, bò, bò như một con cá sấu). Bạn sẽ không bao giờ thấy trẻ chán khi đang bò như một con cá sấu cả! Và bản thân trẻ cũng không biết rằng lúc đùa vui đó thật ra là lúc trẻ đang học tiếng Anh.
Những học liệu khác không kém phần hiệu quả và được học sinh yêu thích là các bài thơ, bài chant (vè), thẻ học phonics (phát âm), hoạt động học viết (được tuyển chọn kĩ càng), và nâng cao hơn là tài liệu học đọc.
4. Mưa dầm thấm lâu, cho trẻ luyện nghe đủ nhiều để củng cố kiến thức
Cuối cùng, việc giáo viên đảm bảo học sinh có đủ thời lượng tiếp xúc để ngấm tiếng Anh là cực kỳ quan trọng. Nghe và “tắm” trong ngôn ngữ là giai đoạn tất cả chúng ta đều trải qua khi học tiếng mẹ đẻ, và tôi tin một trong các nguyên nhân dẫn đến việc một vài học sinh không thể tự tin giao tiếp được là do trẻ không có đủ nhiều thời gian nghe.
Điều này không chỉ áp dụng với trẻ nhỏ mà với cả người lớn đang học ngoại ngữ. Vợ chồng tôi đã sinh sống ở Việt Nam nhiều năm và chúng tôi đã thử nhiều cách cải thiện khả năng nói và phát âm khác nhau. Người nước ngoài rất khó để phát âm tiếng Việt thật chuẩn xác!
Vợ tôi cũng là người Mỹ và từng gặp tình trạng mọi người khó mà hiểu những gì cô ấy nói trong những năm đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó, vợ tôi đã thử một chương trình học đặc biêt. Ở đó cô ấy được yêu cầu nghe và phản hồi nhưng không được nói, tương tự như TPR, trong 100 giờ đồng hồ. Cô ấy nghe và phải cố gắng hiểu những điều giáo viên đang nói. Sau đó thì chương trình chuyển sang giai đoạn học viên được nói.
Khi vợ tôi nói ra những câu đầu tiên sau một thời gian dài khổ luyện bằng phương pháp nghe, cô ấy hỏi giáo viên “Em phát âm như thế nào? Chị có hiểu được không?” Giáo viên ngạc nhiên và đáp “Tuyệt vời! Chị chưa từng nghe một học viên nào phát âm rõ như vậy cả!”
Chìa khóa ở đây là vợ tôi đã dành rất nhiều thời gian nghe để phân biệt được các âm trong tiếng Việt khác nhau như thế nào. Với người ngoại quốc thì thỉnh thoảng có một số âm nghe khá giống nhau trong tiếng Việt, ví dụ như “âu” và “ô”, hoặc “ai” và “ay”.
Nếu người học dành thời gian nghe đủ nhiều, họ dần dần nhận ra điểm khác biệt giữa các âm và cố gắng nói ra được các âm đó khi giao tiếp. Việc lắng nghe thật kỹ giúp chúng ta hiểu và nắm bắt được những điểm mà khi không nghe đủ chúng ta có thể bỏ sót. Có lẽ đây là một bài học hay, không chỉ áp dụng trong việc học ngoại ngữ mà còn cho cả cuộc sống nữa!
Tương tự như vậy, khi học tiếng Anh, việc trẻ được nghe các từ, cụm từ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau và quan sát xem ngôn từ được sử dụng như thế nào cũng là rất quan trọng.
Có một điểm nên nhấn mạnh một lần nữa, đó là chúng ta cần tập trung vào việc học giao tiếp. Theo giáo sư Krashen (1983), học sinh cần được tiếp xúc với comprehensible input (nội dung bài học mà trẻ có thể hiểu được dù không biết hết toàn bộ từ vựng và cấu trúc trong đó). Điều này đòi hỏi bài luyện nghe cần có độ khó phù hợp với trẻ.
Nếu bài nghe xuất hiện quá nhiều từ lạ, trẻ có thể sẽ mất tập trung và quay sang nói chuyện với bạn bè. Vậy nên tài liệu luyện nghe hiệu quả cần có nội dung thú vị, hấp dẫn, và ở mức độ khó vừa đủ để trẻ dần hiểu nội dung và duy trì sự thích thú.
Học sinh cũng nên chủ động nghe thêm tiếng Anh ở nhà. Bí quyết ở đây là học sinh cần được tiếp xúc với tài liệu nghe ở mức độ phù hợp, được thiết kế với nội dung bổ trợ, củng cố những kiến thức trẻ đã học trên lớp.
Kết luận
Nếu bạn áp dụng đúng phương pháp, dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ có thể là một công việc vui vẻ, hiệu quả và thành công. Chứng kiến trẻ đi từ con số 0, chưa biết chút tiếng Anh nào cho đến khi trẻ có thể giao tiếp một đoạn hội thoại đầy đủ và tự tin có thể đem đến cho ta một cảm giác thật mãn nguyện.
Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên và dựa trên việc học giao tiếp là chìa khóa đảm bảo cho các tiết học tiếng Anh diễn ra hiệu quả, hữu ích. Hơn thế, nếu bạn chọn đúng chủ đề và công cụ giảng dạy, học sinh sẽ có cơ hội được tỏa sáng. Tiếng Anh không cần phải là một môn học nhàm chán hay khó khăn. Thực ra nếu được trải nghiệm phương pháp giảng dạy đúng đắn, trẻ còn mong ngóng được đến lớp để vui học cùng các bạn của mình.
Tiếng Anh là một kĩ năng không chỉ giúp trẻ có được công việc tốt hơn trong tương lai, mà còn mở ra nhiều cánh cửa cơ hội để du lịch, học tập, và khám phá thế giới diệu kỳ mà ta đang sinh sống. Không thể tránh khỏi những khó khăn trong nghề giáo, nhưng ngắm nhìn thành quả của những học trò nhỏ cũng đã là phần thưởng vô cùng xứng đáng cho nỗ lực của chúng ta.